Ngọn lửa từ Trảng Mó
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, chính quyền Mỹ- Diệm âm mưu phá hủy không thực thi các điều ước của Hiệp định, mà cố tình thiết lập nên bộ máy chính quyền thực dân kiểu mới vô cùng tàn độc và nham hiểm ở miền Nam. Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng như các địa phương khác trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng phải chịu những cuộc đàn áp khốc liệt, những vụ thảm sát đẫm máu gây nhiều tội ác dã man của Mỹ- Ngụy.
Sau khi có Nghị quyết số 15 vào năm 1959 của Trung ương Đảng soi đường chỉ lối, cách mạng chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận. Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Thăng Bình hạ quyết tâm giành lại toàn bộ vùng Đông, lấy Bình Dương làm trọng điểm và nhanh chóng mở ra trên địa bàn 7 xã cánh Đông; tập trung chỉ đạo các tổ chức đảng ở Bình Dương khẩn trương chuẩn bị cho đợt tổng khởi nghĩa mới, quyết phá tan kèm kẹp của dịch, giải phóng quê hương. Mở đầu của chiến dịch, đêm ngày 5/9/1964 mở đợt tiến công vào 2 xã Bình Dương và Bình Giang ở vùng Đông, lấy lực lượng tại chỗ là chính, Tỉnh Đội hỗ trợ một bộ phận của đơn vị đặc công trinh sát với 12 đồng chí cán bộ và chiến sĩ cùng với đại đội của Tiểu đoàn 70. Ban Chỉ huy chiến dịch gồm các đ/c: Hoàng Minh Thắng- UVTV Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội, đ/c Nguyễn Đức Bốn - Phó Bí thư Huyện ủy, đ/c Trần Anh Vũ và đ/c Hồ Trượng - UVTV Huyện ủy phát lệnh khởi nghĩa vào lúc 12h trưa ngày 05/9/1964. Trong lúc bọn Hội đồng hương chính xã Bình Dương đang tụ tập bàn kế hoạch để đối phó khởi nghĩa và ăn nhậu vừa xong, quân ta nổ súng xung phong tứ phía, tóm gọn mâm Hội đồng. Nhân dân từ vùng cát, vùng đồng, trong sông, ngoài biển nhất tề nổi dậy với gậy gộc, giáo mác, khí thế hừng hực cách mạng, truy bắt bọn tề ngụy thôn ấp và các loại tay sai khác, phá tan ấp chiến lược cơ quan Hội đồng hương chính xã. Ngay tối đêm đó, có đến 5.000 người, hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế khởi nghĩa làm chủ xóm làng, kéo về tập trung tại Trảng Mó (thôn 2) mít tinh chiến thắng, thành lập chính quyền tự quản xã.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa 05/9/1964, giải phóng Bình Dương tạo sức mạnh lan tỏa, tiến đến giải phóng vùng Đông Thăng Bình, tạo thành hành lang liên hoàn, một hậu phương lớn trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà những năm đầu đánh Mỹ và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngọn lửa nổi dậy từ Trảng Mó mãi còn tỏa sáng, càng rực rỡ hơn vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh, địch càn quét bình định khốc liệt, nhân dân kiên quyết trụ bám,
một tấc không đi, một ly không rời. Trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, ác liệt đến đâu, Đảng bộ, quân và dân Bình Dương vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, hy sinh, đập tan âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giành độc lập tự do cho nhân dân, giữ gìn từng tấc đất của quê hương.
Những kỳ tích đấu tranh cách mạng
|
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, cả Bình Dương là một "vùng sa mạc chết". Trên mảnh đất bé nhỏ này, ai đã từng sống mới nhận thấy hết sự chịu đựng vượt ngoài giới hạn của con người. Toàn xã là những đồi cát trắng xóa, trơ trọi với những hàng dương liễu hun hút giữa hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Không khuất phục khó khăn, người Bình Dương lại tiếp tục lao vào cuộc chiến mới, ra sức khắc phục hậu quả để xây dựng cuộc sống mới, phá gỡ bom mìn, khai hoang phục hoá, thi đua lao động sản xuất, lợp lại màu xanh cho quê hương. Trong 10 năm xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương một lần nữa được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Bình Dương đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng, cống hiến sức người, sức của để nuôi giấu, che chở cách mạng. Người Bình Dương anh dũng, kiên cường đã kề vai, sát cánh đấu tranh làm nên những chiến công hiển hách, góp phần làm rạng rỡ danh hiệu vàng "trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" của đất Quảng Nam- Đà Nẵng anh hùng. Chính tại nơi đây đã diễn ra những sự kiện hào hùng, vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, những địa danh anh hùng như Hàng Cừ - Cây Mộc, Trảng Mó, Căn cứ lõm Bàu Bính, trường Hà Bình… đã đi vào lịch sử. Trãi qua 21 năm chiến đấu kiên cường, dũng cảm nhưng vô cùng vẻ vang ấy, nhân dân Bình Dương đã chịu nhiều hy sinh, tổn thất: hơn 4.700 người, trên một nửa số dân toàn xã đã ngã xuống, trong đó có 1.367 liệt sĩ, 140 thương binh, bệnh binh và 291 người mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương, Đảng và Nhà nước đã hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Dương vào năm 1969 và năm 1972.
|
Viết tiếp bản anh hùng ca cách mạng
Ảnh: Trường mẫu giáo - một trong những công trình được xây dựng
chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã.
Nói về những thành tựu sau 39 năm xây dựng và phát triển của địa phương, ông Phan Văn Nam- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện nay, kinh tế của xã có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,65%. Kết cấu hạ tầng nông thôn của xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang: trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan xã đã tầng hóa; các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên tổ được nhựa hóa, bê tông hóa... tạo thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất.Là xã bãi ngang ven biển, nên khai thác, chế biển thủy, hải sản là một trong những ngành nghề chủ lực để phát triển kinh tế: Hiện nay, sản lượng khai thác thủy, hải sản hằng năm đạt trên 2.000 tấn; toàn xã có 28 đơn vị tàu thuyền, đã thành lập 01 nghiệp đoàn nghề cá, 07 tổ đoàn kết khai thác đánh bắt. Sản phẩm làng nghề nước mắm Cửa khe đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Anh Trần Công Hải- Trưởng Ban Quản lý làng nghề nước mắm Cửa Khe ở thôn 6 xã Bình Dương cho biết: Cơ sở của anh hiện sản xuất trung bình 1.500 lít/năm, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Thời điểm này, làng nghề có hơn 20 hộ sản xuất và chế biến hải sản; giải quyết hơn 100 lao động; hằng năm, sản lượng hải sản do bà con trong làng khai thác được trên 1.500 tấn.
Bên cạnh đó, với điều kiện và vị trí thuận lợi, Bình Dương có bãi biển nước trong xanh, với vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng; lại nằm trên tuyến du lịch có trục đường biển nối từ bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) ra phố cổ Hội An đến Đà Nẵng, nên Bình Dương luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Ông Cao Thành Phiện- Chủ tịch UBND xã chia sẻ về tín hiệu vui của địa phương: “Vừa qua, Công ty Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (tại Hà Nội) đã khảo sát địa điểm và thống nhất chọn Bình Dương để đầu tư dự án khu du lịch bãi tắm, resort biển với quy mô diện tích 10 ha. Trong đó, gồm 01 bãi tắm công cộng và 01 khu nghỉ dưỡng cho du khách nước ngoài, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trước khi Cầu Cửa Đại thông tuyến. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Bình Dương phát triển các loại hình dịch vụ đi kèm, người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo” - ông Phiện nói.
Lịch sử đã sang trang, 50 năm đủ dài cho những cố gắng vươn lên không ngừng của mảnh đất thiêng liêng. Bình Dương hôm nay, đang nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hy vọng, với thế mạnh trong phát triển kinh tế, du lịch biển, Bình Dương sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách, tạo nên những cú hích- thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, góp phần viết tiếp bản anh hùng ca cách mạng của lớp cha anh đi trước.